The Speed Force – Khoái tốc chi lực

Speed Force là gì?

The Speed Force trứ danh, là nguồn năng lượng của các speedster, cái Deux Ex Machina to tổ bố được sử dụng để giải thích cho những tình tiết quái dị mà các bố tác giả hay nghĩ ra mỗi khi lên đồng, một trong những cái plot device mà DC sử dụng nhiều nhất. Rất nhiều độc giả (xem phim) thắc mắc về Speed Force nhưng rất ít người chịu đọc truyện để hiểu về nó.

Đầu tiên, để giải thích Speed Force là gì? Chúng ta phải biết một speedster là gì?

Trong đa vũ trụ DC comics, speedster là từ để chỉ chung những người sở hữu năng lực di chuyển siêu tốc. Tuy nhiên không phải bất kỳ ai chạy (hay bay) nhanh thì cũng được gọi là speedster. Superman, Wonder Woman và Shazam cũng có thể bay nhanh nhưng họ không phải là một speedster, bởi nguồn gốc tốc độ của họ không tới từ Speed Force. Một speedster có thể đạt được tốc độ thông qua nhiều cách khác nhau, nhưng luôn có điểm chung là được cung cấp năng lượng từ Speed Force.

Tuy nhiên, khái niệm Speed Force ra đời khá muộn. Jay Garrick, speedster đầu tiên của DC, xuất hiện lần đầu từ năm 1940. Barry Allen, Flash đời thứ 2, được giới thiệu vào năm 1956. Còn thuật ngữ “Speed Force” thì phải tới năm 1994 mới lần đầu xuất hiện. Vậy thì trong suốt hơn 40 năm, DC giải thích ra sao về năng lực siêu tốc độ này?

Trong thời kỳ của Jay Garrick (bộ Flash Comics) và Barry Allen (Flash v1), Jay thì nhờ hít phải nước cứng còn với Barry thì nhờ bị sét đánh và hóa học đổ vào người mà gia tăng hoạt động thể chất (metabolism), nhờ đó mà chạy nhanh hơn. Đây là đặc điểm chung của 2 thời kỳ Golden Age và Silver Age, khi mà comic không cần quá coi trọng vào việc giải thích origin của nhân vật.

Jay Garrick hít phải nước cứng

Sau Crisis on Infinite Earths, Barry Allen chết và Wally West trở thành người kế nhiệm. Thời điểm đó là năm 1987 và sau một cuộc đại dọn dẹp, giờ đây DC muốn comic của mình nghiêm túc hơn trước, dù vẫn giữ những đặc tính cổ điểm. Wally West đại diện cho thế hệ anh hùng thứ 3, nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật được ưa thích nhất không chỉ bởi tính cách ngang tàng, nghịch ngợm mà còn bởi sự tiếp nối di sản, trưởng thành dần dần của nhân vật này, và cũng còn bởi bộ Flash v2 của anh chính là bộ truyện quan trọng nhất trong việc giải thích nguồn gốc của siêu tốc độ.

Bộ này bắt đầu dưới ngòi bút của writer Mike Baron. Thời gian đầu, Wally tiêu tốn rất nhiều năng lượng khi chạy và thường xuyên phải ăn để hồi phục, nếu không cậu sẽ ngất vì tụt đường huyết. Sau Mike Baron, writer William Messner-Loebs tiếp quản bộ này và bước đầu giải thích cách vận hành của siêu tốc độ.

Theo định luật bảo toàn năng lượng, năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi. Tuy nhiên dù Wally ăn rất nhiều đồ để chạy thì khi tính toán ra, lượng đồ ăn đó cũng không thể đủ để tạo nên siêu tốc độ. Tiến sĩ Tina McGee chỉ ra rằng chỉ có 14% năng lượng cơ thể hấp thu qua ăn uống là dùng cho hoạt động cơ bắp, số còn lại là để duy trì sự sống, cũng như giúp cơ thể chống chọi với ma sát của không khí, của môi trường và sản sinh nhiệt khi hoạt động. Với tốc độ của Wally, lượng năng lượng cần để chống lại ma sát là rất lớn, ăn bao nhiêu cũng không đủ, hơn nữa khi chạy thì cơ thể Wally cũng không sản sinh quá nhiều nhiệt.Thêm vào đó, dù cho cơ thể Wally có thể tự chống lại ma sát thì những người cậu cứu sống khi chạy cũng không thể, và lẽ ra họ đã chết cháy khi bị cậu mang theo. Câu trả lời nằm ở một trường lực (aura) mà cậu sản sinh ra khi chạy. Năng lượng mà Wally ăn vào là để tạo ra aura và aura sau đó hấp thụ ma sát không khí để chuyển hóa thánh năng lượng cơ bắp, giúp chạy siêu nhanh, đồng thời triệt tiêu acid mà cơ bắp sản sinh khi vận động. Aura bao phủ toàn thân Wally, bảo vệ cậu và những người cậu cứu. Họ sẽ chỉ cảm thấy như đang di chuyển rất nhanh, giống như ngồi trên một con tàu cao tốc và cảm thấy gió mạnh thổi vào người. Nói tóm lại, aura triệt tiêu gần như hoàn toàn tác động của môi trường vào người chạy và giúp tạo ra tốc độ.

Một điểm mấu chốt nữa là nguồn gốc của aura. Wally phải ăn rất nhiều để sinh ra aura. Messner-Loebs cũng không quên đặt ra thêm một câu hỏi về sự khác nhau giữa Wally và Barry bởi khi còn sống, Barry không cần phải ăn nhiều như Wally mà vẫn chạy nhanh được. Dường như có một sự không đồng nhất giữa aura của các speedster.

Cường độ của aura cũng cần phải tương xứng với tốc độ của người chạy. Sau một lần mất năng lực, Wally đã được vợ chồng McGee giúp tái tạo thí nghiệm cho điện chạy qua người và phun hóa chất lên. Năng lực của Wally trở lại. Họ cũng đồng thời thử nghiệm giả thuyết tốc độ của Wally bị hạn chế vì rào cản tâm lý và cung cấp cho cậu một thiết bị tác động vào phân vùng cảm xúc của não, làm người đeo cảm thấy tích cực và hạnh phúc hơn. Khi đeo thứ này, Wally vượt qua rào cản tâm lý và chạy nhanh hơn trước rất nhiều. Chỉ trong 1 giây, cậu đã chạy xuyên lãnh thổ nước Mỹ. Tuy nhiên do đột ngột chạy quá nhanh, aura không kịp thích ứng khiến Wally rơi vào trạng thái bị sốc. Aura thu lại thành những chiếc gai, giống như một cơ chế bảo vệ, nhưng điều này khiến Wally bị đột ngột mất rất nhiều năng lượng. Ý thức của Wally vì thế mà rời khỏi cơ thể và bị rơi vào một vùng không gian khác. Đây là điểm mấu chốt tiếp theo.

Về sau, năng lực của Wally phát triển thêm, giúp cậu càng chạy nhanh hơn và aura bảo vệ tốt hơn, nhưng câu hỏi về bản chất của aura và sự khác biệt giữa Wally và Barry vẫn được nhắc lại.

Năm 1992, Mark Waid trở thành writer tiếp theo viết The Flash, bắt đầu thời kỳ hoàng kim nhất trong lịch sử dòng Flash.

Waid không chỉ chính thức tình cảm giữa Wally và Linda Park, giúp 2 nhân vật này trưởng thành hơn mà còn tiếp nối các khái niệm của Messner-Loebs để tạo ra khái niệm Speed Force. Trong event The Return of Barry Allen, để đối đầu với Professor Zoom, Jay Garrick đã tập hợp cả 2 speedster lão thành Johnny Quick và Max Mercury để hỗ trợ Wally. Johnny và Max là 2 người có 2 quan điểm rất khác nhau về siêu tốc độ. Dựa trên lý thuyết thế giới gồm 4 chiều (3 chiều không gian và 1 chiều thời gian) Johnny tin rằng siêu tốc độ tới từ việc sử dụng công thức tốc độ 3×2(9yz)4a làm thần chú để tiếp cận chiều thứ 4 (thời gian) và lấy siêu tốc từ đó. Max Mercury dù không phủ nhận lý thuyết chiều thứ 4 này nhưng lại nhấn mạnh rằng siêu tốc độ có được là bởi kỹ năng điều khiển năng lượng chứ không phải nhờ công thức.

Trong tập The Flash v2 #92, Wally sử dụng công thức của Johnny đã đạt tới cảnh giới tâm thức siêu tốc, cảm nhận cả thế giới đứng yên, tuy nhiên lại mắc kẹt, không thể trở về tốc độ bình thường và cần phải được Max Mercury chỉ dẫn, giúp cậu hiểu và chấp nhận năng lực to lớn cũng như hạn chế của nó để trở lại như cũ. Đây chính là lần đầu tiên cụm từ “Speed Force” được nói ra. Cũng trong tập này, Wally khám phá ra aura còn có tác dụng giúp người chạy giao tiếp với nhau khi di chuyển siêu tốc bởi khi chạy nhanh hơn âm thanh thì không có tiếng nói nào tới được tai nhau.

Speed Force về sau được Max Mercury chính thức giải thích là một nguồn năng lượng nằm ngoài vũ trụ, cung cấp sức mạnh cho các speedster, bất kể họ có siêu tốc độ bằng cách nào. Max Mercury là một cựu binh Mỹ thời nội chiến được một tù trưởng da đỏ ban phước. Jay Garrick ban đầu là meta-human chạy nhanh, sau đó học được cách tiếp cận SF. Cha con Johnny Quick và Jesse Quick tiếp cận SF nhờ công thức tốc độ. Barry Allen và Wally West kết nối với SF sau khi bị sét đánh. Dù bằng cách nào đi chăng nữa, việc chạy của họ cũng chỉ nhằm một mục đích là chờ đợi tiếng gọi của SF. Đến một ngày, khi đạt tới một trình độ và tốc độ nhất định, SF sẽ kêu gọi speedster gia nhập mình. Khi đó, speedster sẽ chạy tới tộc đô tối đa, tiếp cận SF và hòa vào làm 1 với nó. SF được miêu tả là tuyệt đẹp, là thiên đường, câu trả lời cho mọi câu hỏi và là đích đến cuối cùng của các speedster. Max Mercury đã suýt về với SF nhưng mắc sai lầm và bị lạc đường, bị cuốn tới tương lai. Barry Allen cả đời không biết về SF, đến phút cuối đời đã nhận ra sự hiện diện của nó khi bị hút vào SF. Ngay cả các speedster có được tốc độ nhờ tác động nhân tạo như bộ Red Trinity và Blue Trinity, các speedster do các nhà khoa học Xô Viết tạo ra hay những con nghiện sử dụng Velocity-9 cũng là lấy năng lượng từ SF. SF chính là thứ tạo nên aura của speedster, và kết nối với SF của speedster càng nâng cao thì càng ít bị phụ thuộc vào năng lược từ thực phẩm. Kết nối với SF càng lớn và kỹ năng càng tăng thì càng chạy nhanh và unlock được nhiều skill.

Max Mecury

Tới Terminal Velocity, để cứu Linda, Wally đã chấp nhận ép bản thân chạy tới mức tốc độ cực đại của bản thân lúc bấy giờ, từ đó tiến vào SF. Ngỡ là đã chết nhưng sau đó, Wally đã bất ngờ trở lại. Với việc là người đầu tiên trong lịch sử trở về từ SF, Wally là người duy nhất trên thế giới nắm giữ kết nối trực tiếp với SF. Từ đây, aura của Wally được tạo ra trực tiếp bởi SF, không cần phải ăn để duy trì tốc độ nữa. Cậu cũng không còn bất kỳ giới hạn nào cả và khi ép bản thân đủ mạnh thì có thể đạt tới bất kỳ tốc độ nào. Đương nhiên chạy càng nhanh thì càng dễ có khả năng bị hút trở lại SF, nhưng Wally nhận ra rằng chỉ những người đã sẵn sàng chấp nhận từ bỏ trần thế thì mới biến mất vào SF vĩnh viễn, còn nếu bị hút vào SF nhưng trái tim vẫn còn có sự kết nối bởi tình yêu với một trái tim khác, SF sẽ trả speedster về thế giới.

Nhờ vào tình yêu với Linda, Wally đã không dưới 2 lần chạy vào SF rồi chạy ra. Khi Black Flash, thực thể cái chết của speedster, tới để đòi mạng Wally nhưng vô tình giết chết Linda, Wally đã chạy đua với Black Flash tới điểm tận cùng của thời gian, nơi cái chết không còn tồn tại và thoát được hắn, rồi sau đó chạy vào SF để cứu Linda và chạy trở ra, trở về thực tại.

Dưới ngòi bút của Mark Waid, Speed Force đã trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng trong lịch sử của dòng Flash khi giải thích cho vô số điểm bất hợp lý mà các tác giả đời trước bày vẽ ra. Không những vậy, Waid còn khiến Wally trưởng thành dần dần, từ một gã trai không chịu lớn trở thành một người đàn ông thực thụ, một người chồng. Năng lực của Wally cũng phát triển dần dần, từ chưa hiểu rõ năng lực của mình cho tới trở thành một bậc thầy về SF, nắm giữ kết nối trực tiếp với nguồn năng lượng vô tận này.

Ngoài việc giúp người sử dụng chạy nhanh không mệt mỏi, người sử dụng SF còn có thể sử dụng 1 số skill như sau (tùy người): rung động, xuyên phân tử, tạo gió lốc, tư duy và học siêu tốc, du hành thời gian, rung động xuyên không gian sang vũ trụ song song, cho mượn tốc độ, cướp tốc độ, vật chất hóa SF, phục hồi vết thương tức thời, tạo lá chắn, bay, tấn công bằng rung động âm thanh, tạo phân thân bằng SF để do thám, gia tăng phát triển cơ bắp để có siêu sức mạnh, cảm nhận sự nhiễu động của SF và sự tồn tại của các speedster khác…

Năm 2009, sau khi ban lãnh đạo DC quyết định đưa Barry Allen trở về từ Speed Force trong bộ Final Crisis, writer Geoff Johns đã viết thêm vào sau đó bộ The Flash Rebirth, kể về quá trình tái hòa nhập cộng đồng của Barry. Geoff không chỉ retcon lại quá khứ của Barry. Cha mẹ của Barry khi trước vẫn còn sống tới tận khi Wally trở thành The Flash và qua đời một cách bình thường. Sau retcon, để nhằm tạo ra sức hút mới cho Barry (một nhân vật có tình cách nhàm chán từ thời Silver Age), Geoff đã nghĩ ra bi kịch mẹ Barry bị Reverse Flash Eobard Thawne sát hại và đổ tội cho cha anh, đồng thời đưa Thawne trở lại bất chấp việc nhân vật này đã chết bằng cách bổ sung thêm khái niệm Speed Force âm để biết Thawne trở thành một nghịch lý thời gian (time paradox). Đây là một nỗ lực nhằm đem lại sức hút mới cho Barry Allen, nhưng sau đó bị chỉ trích là đi quá xa khi cho Max Mercury tiết lộ rằng chính Barry Allen tạo ra Speed Force. Gần đây, Grant Morrison trong bộ Multiversity đã mô tả Speed Force là bức tường bao vây quanh đa vũ trụ.

Có thể thấy dù là một khái niệm được xây dựng công phu và tỉ mỉ sau nhiều năm nỗ lực của Mark Waid, thì khi đã trở nên nổi tiếng, SF cũng trở thành một plot device được sử dụng nhiều quá mức cần thiết, tới nỗi đi rời rất xa mục đích ban đầu của tác giả. Điều này cũng đúng với đa phần những thứ tồn tại lâu dài trong truyện tranh, đây cũng là đặc điểm chung của nền công nghiệp comic.

Nguồn gốc của Speed Force

Như các bạn đã biết, sự ra đời của Speed Force đã được tiết lộ vào năm 2009 trong bộ The Flash Rebirth, rằng trong khoảnh khắc Barry bị sét đánh thì Speed Force đã được tạo ra. Từ đây nhiều bạn sẽ có câu hỏi rằng tại sao lại vô lý đến vậy, hay xa hơn nữa là “Barry là người tạo ra Speed Force nhưng nhiều lần còn thua thiệt cả những người dùng ké?”.

Câu trả lời đơn giản nhất cho tất cả những điều trên, đó là Barry không thực sự là người tạo ra Speed Force. Để tìm hiểu rằng tại sao lại như vậy thì chúng ta sẽ bắt đầu với bộ Flash Rebirth của Geoff Johns nhé .

Năm 2009, nhằm thực hiện việc đưa Barry Allen trở lại, tạo nên sự thu hút mới cho anh, Geoff Johns không retcon lại tiểu sử của Barry bằng việc cho Eobard Thawne giết mẹ anh và vu oan cho Henry Allen, mà còn để Max Mercury tiết lộ rằng anh là người tạo ra Speed Force. Tuy tình tiết này ban đầu đã bị chỉ trích vì quá táo bạo và làm giảm đi giá trị của Wally West – người được coi là Flash nắm giữ kết nối mật thiết nhất với SF, nhưng từ đó đến giờ thì nó lại là cái đinh để DC đóng vào tất cả ấn phẩm của mình.

Có 1 sự thật rằng tình tiết đó của Geoff Johns thực ra lại được dựa vào những sự kiện cách đây tận hàng thập kỷ. Như các bạn đã biết, Barry đã hi sinh khi cố phá hủy khẩu pháo của Anti-Monitor trong sự kiện Crisis On Infinite Earths, bằng việc di chuyển ở tốc độ lớn hơn cả ánh sáng để tạo ra chấn động hủy diệt khẩu pháo. Đến bộ Secret Origins (1986) Annual 2 thì mọi chuyện đã được làm rõ hơn, khẩu pháo Anti-Matter bắn ra tia năng lượng từ hạt Techyon, tức beam di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Barry có nhiệm vụ buộc phải “bắt lấy” tia năng lượng đó trong vòng 10 giây.

Và mọi chuyện bắt đầu từ đây : Barry vốn không chết mà lại hòa mình vào Speed Force, trở thành 1 với Speed Force và tồn tại dưới dạng 1 nguồn năng lượng. Bất ngờ khi thấy cơ thể mình không còn tồn tại còn aura thì bùng cháy, anh nỗ lực bắt lấy năng lượng Tachyon từ khẩu pháo, nhưng vô tình vì thế mà lại chạy về quá khứ đúng thời điểm trước khi anh bị ngọn sét định mệnh đánh. Nắm lấy năng lượng Tachyon trong giây cuối cùng, khẩu pháo phát nổ, Barry ngạc nhiên khi thấy mình biến thành 1 tia sét khổng lồ và đánh thẳng vào chính bản thân trong quá khứ. Tức anh đã tạo nên 1 vòng lặp thời gian bằng cách trao sức mạnh cho chính mình, tương lai và quá khứ hợp nhất ==> Barry Allen trở thành người tạo ra Speed Force theo như đúng lời của Max Mercury nói trong The Flash Rebirth #4. Không ngừng lại ở đó, trong arc Darksied Wars, Black Racer khi nhập vào Barry có nói rằng “cái chết và Speed Force đã hợp nhất”. Tức Barry Allen gần như không chỉ tạo ra SF mà còn là người mang cả khái niệm SF theo mình.

Tuy nhiên, đây vốn là do vòng lặp nên Barry thực chất chẳng hề tạo ra SF, và gần như là…chỉ khác biệt hơn so với những speedster khác ở điểm có kết nối bền vững hơn và có nhiều kinh nghiệm. Vậy thực chất Speed Force được tạo ra từ đâu?

Để tìm hiểu về sự thật, chúng ta sẽ lội ngược về bộ Genesis (1997) và New Gods Secret Files and Origins (1998). Theo như timeline của New Gods thì vào 5,000,000,000 năm về trước, Ragnarok đã được The Source tạo ra nhằm giết chết các Old Gods (thuộc Second World). Nguồn năng lượng từ cái chết của họ tạo ra 1 làn sóng tên là God Wave, lan tỏa khắp đa vũ trụ, tạo nên những vị thần mới, tạo ra những mầm mống phát triển vượt bậc trong hệ gene của sinh vật, tạo ra những nguồn siêu năng lượng đặc biệt của DC. Đó chính là Emotional Spectrum (quang phổ cảm xúc ,nguồn sức mạnh của các Lanterns), Quantum Field (trường lượng tử, sức mạnh của Captain Atom) và cả Speed Force. Khi được sinh ra, Speed Force trở thành bức tường bao bọc lấy đa vũ trụ, ngăn cách đa vũ trụ với Sphere Of Gods, chứa đựng mọi tri thức và chạm đến mọi thời điểm trong timeline. Chính vì thế mà việc tồn tại những speedster trước cả Barry Allen là điều vô cùng hợp lý, ngay cả khi anh đã tạo nên vòng lặp thời gian như ở trên.

Xem thêm phân tích sức mạnh của Flash

Nguồn: DCtrivia

Bài viết này có thú vị không?

Hãy đánh giá bài viết này!

Average rating / 5. Số lượt bình chọn:

Nếu bạn thấy bài này thú vị...

Hãy chia sẻ cùng mọi người!

Thật tiếc là bài viết này làm bạn thất vọng

Hãy giúp tụi mình cải thiện!

Leave a comment